Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc ngày 1/9 đã trình Quốc hội “Kế hoạch quản lý tài chính các cơ quan Nhà nước trung và dài hạn 2023-2027”.
Theo Luật về điều hành các cơ quan Nhà nước, Chính phủ sẽ phải đưa ra dự báo về tình hình tài chính của 35 doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan bán Chính phủ có tài sản trên 2.000 tỷ won (1,52 tỷ USD), hoặc có điều khoản quy định Chính phủ phải bù đắp thua lỗ, hoặc bị suy giảm vốn.
Trong số 35 cơ quan này, có 3 cơ quan đang trong tình trạng suy giảm vốn như Tổng công ty than đá (KOCOAL), Tổng công ty dầu khí (KNOC), Tổng công ty khai thác khoáng sản và quản lý thiệt hại (KOMIR).
Tổng số nợ của 35 cơ quan, doanh nghiệp này ước tính đạt 671.700 tỷ won (509,39 tỷ USD) trong năm nay. Trong đó, Tổng công ty đất đai và nhà ở (LH) có số nợ nhiều nhất là 154.500 tỷ won (117,17 tỷ USD), sau đó tới Tổng công ty điện lực (KEPCO) 121.100 tỷ won (91,84 tỷ USD).
Số nợ của 35 cơ quan này được dự báo sẽ tăng lên 703.500 tỷ won (533,51 tỷ USD) vào năm sau và 743.700 tỷ won (564 tỷ USD) vào năm 2027.
Tổng tài sản của 35 cơ quan này trong năm nay là 985.100 tỷ won (747,07 tỷ USD), tăng lên 1.037.800 tỷ won (787,03 tỷ USD) vào năm sau và 1.137.700 tỷ won (862,79 tỷ USD) vào năm 2027, được phân tích là do sự mở rộng nguồn quỹ công để xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư vào đường cao tốc, mở rộng vốn chính sách.
Bộ Kế hoạch và tài chính cho biết tỷ lệ nợ trên tài sản của các cơ quan Nhà nước trong năm nay là 214,3%, tăng 10,9% so với năm ngoái, dự báo sẽ giảm xuống 188,8% vào năm 2027 nhờ sự cải thiện các điều kiện bên ngoài như giá năng lượng quốc tế ổn định, nỗ lực duy trì nền tảng tài chính lành mạnh. Điều này có nghĩa là Bộ đặt mục tiêu giảm 25,5% tỷ lệ nợ trên tài sản của các cơ quan Nhà nước trong năm 2027 so với năm nay.