Vào ngày 31/5 và ngày 24/8 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa Chollima-1 chở vệ tinh trinh sát quân sự “Malligyong-1”, nhưng đều thất bại.
Trong lần phóng thất bại thứ hai, miền Bắc đã làm rõ triệt để nguyên nhân thất bại, lập đối sách và tuyên bố sẽ phóng tiếp lần ba trong tháng 10. Ngày phóng lần ba có thể là trước và sau ngày kỷ niệm thành lập đảng Lao động miền Bắc 10/10.
Mặc dù ngày 10/10 đang tới gần, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh trinh sát quân sự lần ba. Thay vào đó, trong vòng 5 ngày từ ngày 30/9 vừa qua, nước này đã ra 6 tuyên bố, khuấy động “cuộc chiến dư luận”.
Trong tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Bình Nhưỡng chỉ trích việc Bộ Quốc phòng Mỹ gọi Bắc Triều Tiên là “mối đe dọa thường trực”. Trong một tuyên bố khác dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Công nghiệp điện hạt nhân và Vụ trưởng phụ trách chính sách với Nga thuộc Bộ Ngoại giao để chỉ trích Mỹ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Tại hội nghị Hội đồng nhân dân tối cao (tương đương Quốc hội) vào cuối tháng trước, miền Bắc đã thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi, ghi rõ về việc đẩy cao phát triển vũ khí hạt nhân vào trong Hiến pháp.
Giáo sư Yang Mu-jin thuộc Đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc phân tích việc miền Bắc ra một loạt tuyên bố như vậy nhằm để nước này không bị gạt ra khỏi cuộc chiến tuyên truyền trong cộng đồng quốc tế, vừa nhằm làm nổi bật về tính chính đáng của việc nước này đưa chính sách sức mạnh hạt nhân vào trong Hiến pháp.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh cáo miền Bắc sẽ tự hứng chịu kết cục diệt vong nếu sử dụng vũ khí hạt nhân. Seoul khẳng định sẽ có thể đối phó áp đảo với bất cứ đòn tấn công nào từ Bình Nhưỡng dựa trên trạng thái phòng thủ liên quân Hàn-Mỹ vững chắc.