Trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ vũ trụ đang diễn ra khốc liệt, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa đẩy vũ trụ Nuri trong năm nay, vươn mình trở thành một cường quốc vũ trụ. Bước khởi đầu trong hành trình này của Seoul chính là vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Uribyul-1 (nghĩa là “Ngôi sao của chúng ta”) vào năm 1992.
Vệ tinh Uribyul-1 có tên quốc tế “KITSAT-1”, trọng lượng 48 kg, cao 67 cm, là một vệ tinh khoa học cơ bản, nhưng đã đóng vai trò tiên phong mở ra thời đại vũ trụ của Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thành công, vệ tinh đã cắt liên lạc với Trái đất, nhưng vẫn tiếp tục quay đâu đó quanh quỹ đạo Trái đất gần 20 năm không ngừng nghỉ. Giờ đây, Uribyul-1 đã trở thành một trong số hơn 36.000 rác thải vũ trụ có đường kính 10 cm trở lên.
Nhà nghiên cứu Kang Kyung-in của Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cho biết cho tới năm 2004, vệ tinh Uribyul-1 vẫn còn liên lạc với trạm mặt đất, nhưng hiện tại đã ngừng liên lạc, trở thành rác thải vũ trụ, tiếp tục quay quanh quỹ đạo Trái đất ở độ cao 1.300 km.
Để Uribyul có thể “nghỉ hưu” thực sự, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang chuẩn bị cho “Dự án thu hồi vệ tinh”, đó là phóng một vệ tinh có cánh tay robot lên quỹ đạo được phỏng đoán là có vệ tinh Uribyul-1, để đưa vệ tinh này trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Vệ tinh Uribyul-1 hiện đang bay với vận tốc nhanh gấp 7 lần mũi tên, do đó để “chộp” được vệ tinh này đòi hỏi công nghệ rất khó, khi vệ tinh thu hồi phải tiếp cận được Uribyul-1 với vận tốc tương tự.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo của KAIST Han Jae-hung cho biết rất nhiều vệ tinh khác đang được phóng lên vũ trụ. Ở thời điểm hiện nay, sẽ rất khó để tiếp tục phát triển vũ trụ nếu không có công nghệ xử lý các vệ tinh đã hoàn thành xong nhiệm vụ.
Các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng đang phát triển công nghệ “dọn rác vũ trụ” sử dụng cánh tay robot hay nam châm, lưới. Giới chuyên gia đang kỳ vọng công nghệ thu gom rác vũ trụ sẽ có thể phát triển thành công nghệ có thể thu thập và mang về Trái đất các vật chất khác, như tiểu hành tinh, phục vụ cho nghiên cứu môi trường vũ trụ.