Quốc hội Hàn Quốc bắt đầu tiến hành thanh tra các cơ quan Nhà nước từ ngày 10/10. Đây là đợt thanh tra cuối cùng của Quốc hội khóa XXI.
Tổng cộng 17 ủy ban thường trực Quốc hội sẽ tiến hành thanh tra đối với 791 cơ quan Nhà nước trong vòng 24 ngày, cho tới hết ngày 8/11.
Trong ngày đầu thanh tra 10/10, 10 ủy ban thường trực như Ủy ban Pháp chế và tư pháp, Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban các vấn đề Nhà nước và chính trị, Ủy ban Địa chính và giao thông tiến hành thanh tra các cơ quan Nhà nước.
Tại buổi thanh tra Tòa án tối cao của Ủy ban Pháp chế và tư pháp, dự kiến chính giới tập trung đổ lỗi trách nhiệm lẫn nhau về lỗ hổng vị trí Chánh án Tòa án tối cao, hay về việc Viện Kiểm sát điều tra Chủ tịch đảng đối lập Dân chủ đồng hành Lee Jae-myung.
Trong buổi thanh tra Bộ Quốc phòng của Ủy ban Quốc phòng, vấn đề tranh cãi chính được cho là về nghi ngờ can thiệp vào quá trình điều tra vụ một binh lính hy sinh trong quá trình tìm kiếm nạn nhân mất tích trong mưa lớn mùa hè năm nay; hay tranh cãi về việc di dời tượng tướng quân Hong Beom-do.
Tại buổi thanh tra Bộ Địa chính và giao thông của Ủy ban Địa chính và giao thông, đảng Dân chủ đồng hành dự kiến sẽ chất vấn về nghi ngờ xoay quanh việc thay đổi tuyến đường cao tốc Seoul-Yangpyeong; trong khi đảng Sức mạnh quốc dân thì đặt câu hỏi về nghi ngờ “thao túng giá bất động sản” dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Moon Jae-in.
Ủy ban các vấn đề Nhà nước và chính trị sẽ tiến hành thanh tra Văn phòng điều phối Nhà nước thuộc Văn phòng Tổng thống; Ủy ban Ngoại giao và thống nhất thanh tra đối với Bộ Ngoại giao. Dự kiến tại hai buổi thanh tra này, chính giới sẽ tranh cãi xoay quanh vấn đề Tokyo xả nước thải nhiễm xạ ra biển.
Tại buổi thanh tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ thông tin, truyền hình và truyền thông với Ủy ban Phát thanh, truyền hình và truyền thông, chính giới được cho là sẽ đấu khẩu về tranh cãi liên quan tới việc Chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol kiểm soát truyền thông và nghi ngờ tin tức giả trong đợt bầu cử Tổng thống.