Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 10/10 (giờ địa phương) công bố báo cáo điều chỉnh về triển vọng kinh tế thế giới, trong đó giữ nguyên dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay là 3% nhưng hạ dự báo năm 2024 đạt 2,9% năm 2024, thấp hơn 0,1% so với báo cáo trước đó hồi tháng 7 (3%).
IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang khập khiễng từng bước chứ không chạy nước rút, có khả năng “hạ cánh mềm” nhưng cán cân rủi ro trong sự tăng trưởng toàn cầu vẫn nghiêng về phía dưới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm rãi sau những ảnh hưởng như đại dịch COVID-19, cuộc xâm lược Ukraine của Nga và khủng hoảng giá tiêu dùng. Nhìn vào từng khu vực, có thể nhận thấy sự tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo là 2,1% trong năm nay và 1,5% vào năm tới, tăng lần lượt 0,3% và 0,5%p so với dự báo tháng 7.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 0,7% trong năm nay và 1,2% trong năm tới, giảm lần lượt 0,2% và 0,3% so với dự báo trước đó.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023 vẫn giữ nguyên ở mức 1,4% nhưng đã bị giảm 0,2% thành 2,2% trong năm 2024.
Các nước mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 4,0% trong cả năm nay và năm sau.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo là 5,0% trong năm nay và 4,2% trong năm 2024, thấp hơn lần lượt 0,2% và 0,3% so với dự báo trước. IMF cũng cho rằng vấn đề bất động sản của Trung Quốc càng trở nên sâu sắc sẽ có thể trở thành một yếu tố rủi ro quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tiếp đó, tổ chức này nêu ra các yếu tố rủi ro khác như biến động mạnh về giá nguyên vật liệu do biến đổi khí hậu và xung đột địa chính trị, giá cả vẫn duy trì ở mức cao, nợ xấu ở nhiều quốc gia và rủi ro kinh tế ở các nước mới nổi.
IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 8,7% năm ngoái xuống 6,9% trong năm nay và 5,8% trong năm 2024. Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng việc hạ thấp kỳ vọng lạm phát ngắn hạn là rất quan trọng để kiểm soát giá cả và dự đoán hầu hết các nước sẽ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát trước năm 2025.