Tổ chức dân sự của Hàn Quốc mang tên “Công lý cho Bắc Triều Tiên” (Justice for North Korea) tối ngày 9/10 cho biết Trung Quốc đã bất ngờ cưỡng bức hồi hương khoảng 600 người tị nạn Bắc Triều Tiên bị giam giữ ở khu vực biên giới.
Việc cưỡng bức hồi hương được thực hiện đồng thời ở các nơi như thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh), thành phố Hồn Xuân (tỉnh Cát Lâm), thậm chí Bộ An ninh xã hội Bắc Triều Tiên đã trực tiếp sang chỉ huy áp giải ở một số khu vực. Được biết, phần lớn những người tị nạn này là phụ nữ, có cả trẻ sơ sinh và trẻ em.
Ước tính hiện có khoảng 2.000 người miền Bắc vượt biên và bị giam giữ ở Trung Quốc. Do đó, có nhiều lo ngại sẽ có các cuộc cưỡng bức hồi hương quy mô lớn sau khi Bình Nhưỡng gỡ bỏ lệnh phong tỏa biên giới phòng dịch COVID-19.
Đại diện tổ chức Công lý cho Bắc Triều Tiên cho biết hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề và là một đòn chí mạng cho nước này khi sự thật về việc cưỡng ép hồi hương người tị nạn miền Bắc bị lộ ra ngoài. Do đó, Bắc Kinh đã “nín thinh” trong suốt thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) Hàng Châu 2022 rồi bất ngờ “đánh úp” cưỡng ép người tị nạn về nước.
Đang trong đợt thanh tra các cơ quan Nhà nước, Quốc hội Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích những đối phó với vụ việc này của Bộ Thống nhất nói riêng, Chính phủ Hàn Quốc nói chung. Nghị sĩ Chung Jin-suk thuộc đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân chỉ trích Chính phủ Hàn Quốc không hề có một lời bình luận nào về vụ việc với Chính phủ Trung Quốc trong khi đây là sự kiện chấn động mà Seoul không thể bỏ qua. Nghị sĩ Lee Won-wook của đảng đối lập Dân chủ đồng hành thì đặt câu hỏi Chính phủ đang làm gì khi tính mạng của 600 người dân miền Bắc muốn đến tị nạn miền Nam đang bị đe dọa.
Về phần mình, Bộ trưởng Thống nhất Kim Yung-ho cho biết sẽ xác nhận với các cơ quan hữu quan và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Chính phủ cũng đang xác minh sự thật, nhấn mạnh rằng dù trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể để những người tị nạn Bắc Triều Tiên bị cưỡng ép về nước.