Vào ngày 30/12 năm ngoái, Viện nghiên cứu khoa học quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã phóng thử nghiệm lần hai thành công tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiên liệu rắn tự phát triển. Sau khi tách tầng thành công, tên lửa đã bay được lên độ cao 450 km.
Quân đội Hàn Quốc đặt mục tiêu dùng tên lửa này để phóng vệ tinh trinh sát siêu nhỏ lên quỹ đạo tầm thấp cách Trái đất 500 km cho tới năm 2025.
Được biết, quân đội sẽ tiếp tục phóng thử nghiệm tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiên liệu rắn từ vùng biển phía Nam đảo Jeju trong cuối tháng này. Quân đội sẽ bố trí một sà lan giữa biển và phóng tên lửa từ đó. Một điểm khác trong vụ phóng thử nghiệm lần này đó là tên lửa sẽ được lắp cả động cơ đẩy tầng 1.
Đây sẽ là vụ phóng thử nghiệm cuối cùng, trong đó tên lửa được gắn một vệ tinh đơn giản để xác nhận tính năng liên lạc, kiểm chứng lực đẩy, năng lực điều khiển, độ ổn định quỹ đạo của vệ tinh.
Một nguồn tin Chính phủ tiết lộ trong vụ phóng này, tên lửa có tải trọng nhẹ, lại được gắn động cơ đẩy tầng một có lực đẩy mạnh, không cần thiết đưa tên lửa lên độ cao quá lớn, nên tầng hai không được lắp vào tên lửa.
Nhà nghiên cứu Yang Wook thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan chỉ ra rằng mặc dù Bắc Triền Tiên đề ra kế hoạch tham vọng để dẫn đầu ở lĩnh vực vũ trụ, nhưng trên thực tế nước này sẽ khó đạt được kế hoạch đề ra, mà đang ở thế bất lợi trong cuộc chạy đua vũ trụ với Hàn Quốc.
Tùy theo điều kiện khí tượng mà kế hoạch phóng tên lửa đẩy có thể xê dịch một tới hai ngày so với kế hoạch là vào cuối tháng 11 này.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyu trong buổi họp báo thường kỳ ngày 6/11 thì cho biết quân đội đang lên kế hoạch và xúc tiến phóng tên lửa đẩy vũ trụ “trong năm nay”.
Mặt khác, quân đội Hàn Quốc dự kiến phóng vệ tinh trinh sát tự phát triển đầu tiên từ căn cứ Không quân Vandenberg của Mỹ vào ngày 30/11 này. Dự kiến trong thời gian tới, quân đội sẽ vừa tăng tốc phát triển tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, vừa đẩy cao năng lực giám sát, trinh sát quân sự.