Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) gần đây đã phát hiện được hơn 30 trang web giả mạo hãng ngôn luận địa phương Hàn Quốc hòng phát tán nội dung trái phép.
Một trong số đó là trang mạng có tên “Thời báo Chungcheong”, nhìn qua là một trang tin mạng thông thường, với các tin tức về chính trị, kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế trang web này giả mạo trang ngôn luận địa phương Hàn Quốc là “Thời báo Chungcheong”, địa chỉ trang web chỉ khác mỗi phần đuôi là “.kr” và “.org”.
Một trang web khác có tên là “Busan Online” cũng bị phát hiện là trang web giả mạo, đăng các tin như “Trung Quốc đang hỗ trợ về phối hợp phòng ngừa COVID-19”.
Trang web “Seoul Press”, một trang tin giả mạo khác, thì đăng tải bài viết với nhan đề “Hàn Quốc bị thiệt nhiều hơn khi tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ toàn cầu”, trong đó chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ toàn cầu mà hai nước Hàn-Mỹ đồng tổ chức vào tháng 3 năm nay.
Tất cả các trang web trên đều là những trang tin giả mạo, lấy tên các hãng tin địa phương của Hàn Quốc. Các trang web này đều có một địa chỉ IP ở Trung Quốc, do một hãng truyền thông và quan hệ công chúng của Trung Quốc lập ra.
NIS và các công ty bảo mật của Hàn Quốc đã phát hiện được 38 trang tin giả như vậy. Mặc dù chưa xác định được chính xác ai là người đứng sau, nhưng nhiều nội dung theo khuynh hướng ủng hộ Trung Quốc, chống đối Mỹ đã được chia sẻ lên mạng xã hội, tác động xấu tới dư luận trong nước.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng cơ quan chức năng Hàn Quốc cần tích cực hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như mạng xã hội X (tên gọi mới của Twitter), hay YouTube để ngăn chặn các nội dung trái phép từ sớm.
Cơ quan Tình báo quốc gia cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để chặn các trang web nói trên.