Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 4/12 đã công bố báo cáo về quá trình biến đổi cấu trúc tăng trưởng của Trung Quốc và ảnh hưởng tác động tới kinh tế Hàn Quốc. Theo báo cáo, Seoul sẽ khó tiếp tục hưởng lợi từ đặc thù kinh tế của Bắc Kinh như trước đây.
Kể từ sau giữa những năm 2010, động lực tăng trưởng của Trung Quốc chuyển từ đầu tư bất động sản sang tiêu dùng và nền công nghiệp hiện đại.
Theo đó, sự đình trệ của lĩnh vực bất động sản đã làm thu hẹp nền công nghiệp vốn có như vải sợi, quần áo, máy tính. Trong khi đó, các ngành công nghiệp tăng trưởng mới như xe điện, pin thứ cấp, năng lượng Mặt trời, thì lại tăng trưởng mạnh. Kết quả là chỉ số kích thích nhập khẩu, tức mức độ tăng trưởng nhập khẩu, của năm 2020 thấp hơn năm 2017. Điều này có nghĩa là hiệu quả gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc của Hàn Quốc cũng giảm.
Hơn nữa, hiệu quả phát triển kinh tế của Trung Quốc chỉ tạo ra ảnh hưởng tích cực lên thị trường trong nước. Tỷ lệ tác động của nhu cầu cuối cùng tại Trung Quốc lên giá trị gia tăng trong nước tăng từ khoảng 86% vào năm 2018 thành 87% vào năm 2020, trong khi tỷ lệ tương tự ở các nước láng giềng như Hàn Quốc đã giảm.
Ngoài ra, BOK cũng chỉ ra mức độ tự lập đối với hàng hóa trung gian và khả năng cạnh tranh trong công nghệ của Trung Quốc được nâng lên. Tức Trung Quốc, nước được nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc phát triển kỹ thuật, sẽ ngày càng trở thành đối thủ nặng ký của Hàn Quốc trên thị trường thế giới như trở thành nước xuất khẩu xe ô tô điện lớn nhất toàn cầu.
Theo đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc khuyến cáo nên mở rộng xuất khẩu hàng dân dụng sang Trung Quốc và nỗ lực hơn nữa để cải thiện cấu trúc xuất khẩu chỉ tập trung vào nước này.