Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 4/12 cho biết tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiên liệu rắn kiểu Hàn Quốc đã được phóng thành công tại vùng biển gần đảo Jeju vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày. Đến lúc 3 giờ 45 chiều, vệ tinh đã liên lạc thành công với Trung tâm kiểm soát trên mặt đất ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi.
Tên lửa này do Viện nghiên cứu khoa học quốc phòng Hàn Quốc (ADD) phát triển, và đã được phóng thử nghiệm thành công hai đợt trước đó vào tháng 3 và tháng 12 năm ngoái. Khác với hai lần trước, trong lần phóng này, tên lửa có động cơ tầng 1 sử dụng nhiên liệu rắn, chở theo vệ tinh thương mại tư nhân là vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp (SAR) cỡ nhỏ nặng 100 kg. Vệ tinh này quay quanh quỹ đạo Trái đất ở độ cao 650 km để thực hiện nhiệm vụ quan trắc.
Bộ Quốc phòng cho biết tên lửa đẩy vũ trụ nhiên liệu rắn có cấu trúc đơn giản, dễ lưu trữ và sử dụng, giá thành rẻ, phóng nhanh, nên thích hợp cho các vụ phóng vệ tinh quan trắc, trinh sát đơn giản hoạt động ở quỹ đạo thấp. Thêm vào đó, thời gian chuẩn bị phóng cũng tương đối ngắn nhờ cấu trúc đơn giản, linh kiện có độ tin cậy cao, có thể phóng như thiết bị hỗ trợ quy mô nhỏ.
Đặc biệt, vụ phóng thành công lần này đã giúp Hàn Quốc tăng tốc hơn nữa trong việc củng cố năng lực giám sát và trinh sát trên nền tảng vũ trụ với trọng tâm là các hệ thống vũ khí kiểu Hàn Quốc.
Trong tương lai, Seoul sẽ sở hữu năng lực phóng vệ tinh cỡ nhỏ vào thời điểm thích hợp sau khi kết thúc các hoạt động phát triển tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiên liệu rắn, cũng như dự kiến phát triển công nghệ cỡ lớn, tăng trọng lượng của vệ tinh gắn trên tên lửa.
Một quan chức Bộ Quốc phòng khẳng định tên lửa đẩy vũ trụ của Hàn Quốc có sức đẩy mạnh gấp 1,5 lần so với tên lửa đẩy vũ trụ sử dụng nhiên liệu rắn của Bắc Triều Tiên. Mặc dù có cùng công nghệ tương tự như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), song tên lửa Seoul có mục đích sử dụng khác và ngay từ đầu đã được thiết kế là tên lửa đẩy vũ trụ.