Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 14/12 đã công bố kết quả khảo sát tình hình bạo lực học đường đợt một năm 2023, được tiến hành theo hình thức trực tuyến trong vòng 4 tuần từ ngày 10/4, tại 16 tỉnh thành với đối tượng là 3,84 triệu học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Tỷ lệ tham gia khảo sát lần này là 82,6%.
Trước tiên, số học sinh trả lời bản thân là nạn nhân của bạo lực học đường chiếm 1,9%, tăng 0,2% so với lần khảo sát đợt một của năm 2022, mức cao nhất trong vòng 10 năm kể từ năm 2013 (2,2%). Tính theo số học sinh thì có tổng cộng 59.000 em từng bị bạo lực ở trường, trong đó học sinh tiểu học là 41.000 em, học sinh trung học cơ sở là 14.000 em, trung học phổ thông là 3.700 em.
Xét theo loại hình, bạo lực bằng lời nói chiếm 37,1%, bạo hành thân thể 17,3%, bị cô lập trong tập thể là 15,1%, bạo lực qua mạng 6,9%.
Tỷ lệ bạo lực bằng lời nói và bạo lực qua mạng giảm so với năm ngoái lần lượt là 41,8% và 9,6%. Tuy nhiên, bạo lực thân thể thì lại có xu hướng tăng cao hơn một năm trước là 14,6%. Lý do được giải thích là các tiết học tại trường đã tăng trở lại sau khi quy định giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ vào tháng 3.
Ngoài ra, tỷ lệ trả lời đã từng gây ra bạo lực học đường là 1%, tăng 0,4% so với năm ngoái; số học sinh cho biết đã từng chứng kiến bạo lực học đường chiếm 4,6% (tăng 0,8%).
Sau kết quả lần này, Liên đoàn giáo viên Hàn Quốc (KFTA) chỉ ra rằng Chính phủ cần phải lập ra đối sách để ứng phó với tình hình bạo lực thân thể và bạo lực tình dục liên tục tăng trong vòng ba năm qua.
Bộ Giáo dục có kế hoạch sẽ nhanh chóng xúc tiến đối sách tổng hợp nhằm xóa sổ tận gốc nạn bạo lực học đường và phương án nâng cao vai trò của cảnh sát chuyên trách trường học (School Police Officer).