Vào tháng 3/2023, công ty khởi nghiệp Innospace của Hàn Quốc đã phóng thử nghiệm tên lửa đẩy vũ trụ “Hanbit-TLV” tự phát triển từ một căn cứ không quân của Brazil. Tên lửa có chiều dài 16m, đã bay trong khoảng thời gian là 4 phút 33 giây. Một điểm đáng chú ý là doanh nghiệp này đã phát triển công nghệ sử dụng đồng thời cả nhiên liệu rắn và nhiên liệu lỏng, thêm vào đó tên lửa còn có năng lực cạnh tranh về giá thành.
Giám đốc điều hành Innospace Kim Soo-jong giới thiệu tên lửa Hanbit-TLV có thể mang lại chi phí dịch vụ với giá thành cạnh tranh cho khách hàng nhờ cắt giảm chi phí. Với những thế mạnh như vậy, con đường xuất khẩu tên lửa này đang rộng mở.
Ở một doanh nghiệp tư nhân khác, đội ngũ nghiên cứu đang tất bật lắp ráp vệ tinh quan trắc “siêu nhỏ”, chỉ bằng kích thước của một chiếc lò vi sóng. Vệ tinh này đã được phóng thành công vào cuối năm ngoái, hiện đang bay vòng quanh Trái đất, thu thập và gửi thông tin về trạm mặt đất.
Ông Park Jae-pil, giám đốc điều hành công ty Nara Space, đơn vị phát triển vệ tinh, cho biết phía công ty đã nỗ lực để đơn giản hóa quá trình sản xuất vệ tinh, nhằm giảm giá thành, để các công ty tư nhân cũng có thể phóng vệ tinh lên vũ trụ.
Đây đều là những thành quả từ các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực hàng không vũ trụ của Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện số công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực này mới chỉ dừng ở hơn 40 doanh nghiệp, bằng 9% tổng số hãng hàng không vũ trụ trong nước. Các doanh nghiệp mong muốn được Chính phủ hỗ trợ phù hợp theo từng giai đoạn bởi rào cản về trình độ công nghệ, nhân lực chuyên môn ở lĩnh vực này là rất lớn.
Một quan chức thuộc Hiệp hội xúc tiến công nghệ hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KASP) đề xuất Chính phủ xem xét tính khả thi đối với các ý tưởng dự án, rồi sau đó hỗ trợ cho công tác chuẩn bị của doanh nghiệp theo từng giai đoạn.
Có thể nói vụ phóng thành công lần ba tên lửa đẩy vũ trụ tự phát triển mang tên Nuri vào tháng 5/2023 đã giúp Hàn Quốc tiến thêm một bước nữa để vươn lên trở thành cường quốc vũ trụ. Quy mô ngành công nghiệp hàng không vũ trụ được dự báo sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2040.