Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 5/3 công bố báo cáo dự báo tới năm 2042, Hàn Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 1,55 triệu lao động ngành dịch vụ chăm sóc (chăm sóc bệnh nhân và chăm sóc trẻ nhỏ) do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, chỉ bằng 30% so với nhu cầu. Quy mô thiếu hụt lao động ngành dịch vụ này trong năm 2022 là 190.000 người.
Bên cạnh đó, BOK cũng phân tích về gánh nặng chi phí về dịch vụ chăm sóc. Nếu tuyển một người chuyên chăm sóc cho bệnh nhân thì chi phí bình quân mỗi tháng vào năm 2023 là 3,7 triệu won (2.773 USD), gấp 1,7 lần so với thu nhập trung vị của hộ gia đình trên 65 tuổi và hơn 60% so với thu nhập trung vị của hộ gia đình ngoài 40, 50 tuổi. Nếu thuê người trông trẻ mỗi ngày 10 tiếng thì chi phí sẽ là 2,64 triệu won (1.978 USD)/tháng, bằng hơn một nửa so với thu nhập trung vị của hộ gia đình ngoài 30 tuổi.
Gánh nặng chi phí như trên làm tước đi cơ hội được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc chất lượng, hạn chế hoạt động kinh tế của người phụ nữ, cuối cùng dẫn tới tỷ lệ sinh sẽ ngày càng giảm. BOK chỉ ra rằng việc tuyển dụng lao động người nước ngoài là bất khả kháng; nhưng cũng lưu ý rằng phải giảm lương của người lao động nước ngoài thì mới có thể giảm gánh nặng chi phí cho hộ gia đình có nhu cầu.
Ngân hàng trung ương đề xuất Chính phủ cho phép hộ gia đình trực tiếp ký hợp đồng tuyển dụng với người lao động nước ngoài, mở rộng chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài, và áp dụng mức lương tối thiểu riêng với dịch vụ chăm sóc. Trường hợp ký hợp đồng riêng, nếu gia đình không thể sắp xếp nơi ở cho lao động người nước ngoài, thì Chính phủ nên bố trí ký túc xá cho những lao động này để dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương cũng nêu lo ngại về vấn đề xâm hại đời sống riêng tư và nhân quyền của người lao động nước ngoài.