Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) Kim Joo-hyun ngày 19/3 đã tổ chức buổi tọa đàm với lãnh đạo các ban ngành hữu quan, trong đó có Bộ Môi trường, người đứng đầu các cơ quan tài chính chính sách, công bố “Phương án mở rộng hỗ trợ tài chính đối phó với khủng hoảng khí hậu”.
Theo nội dung được công bố, 5 cơ quan tài chính chính sách là Ngân hàng phát triển (KEB), Ngân hàng xuất nhập khẩu (KEXIM), Ngân hàng công nghiệp (IBK), Quỹ bảo lãnh tín dụng (KODIT), Quỹ bảo lãnh công nghệ (KIBO) sẽ cung cấp vốn chính sách quy mô 420.000 tỷ won (khoảng 314 tỷ USD) cho tới năm 2030 để đối phó với khủng hoảng khí hậu.
Nguồn vốn chính sách này sẽ được sử dụng để đầu tư hoặc sản xuất thiết bị ít phát thải carbon, hỗ trợ về mặt công nghệ. FSC kỳ vọng với nguồn vốn này, Hàn Quốc sẽ cắt giảm được 85,97 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2030.
Ngoài ra, FSC sẽ lập thêm “Quỹ năng lượng tương lai” quy mô 9.000 tỷ won (6,73 tỷ USD), hỗ trợ cho doanh nghiệp chi phí xây dựng thiết bị phát điện năng lượng tái tạo như Mặt trời, sức gió. Cùng với đó, khoảng 9.000 tỷ won khác sẽ được đầu tư để bồi dưỡng lĩnh vực công nghệ môi trường.
Ủy ban Giám sát tài chính sẽ lập ra “Hội đồng tài chính khí hậu”, tiếp tục phối hợp với các ban ngành hữu quan, cơ quan tài chính chính sách, chuyên gia, để hỗ trợ tài chính phù hợp. Căn cứ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho tới năm 2050 Hàn Quốc phải cắt giảm 40% lượng khí nhà kính so với năm 2018, để đối phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Các nước lớn như châu Âu hiện đang siết chặt quy chế với doanh nghiệp về phát thải carbon, nên nền kinh tế Hàn Quốc, vốn trọng tâm là xuất khẩu ngành chế tạo, đòi hỏi phải có sự đối phó tích cực với các quy chế liên quan.