Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc ngày 2/11 đã tổ chức cuộc họp rà soát tình hình cung cầu dầu mỏ và khí đốt do ảnh hưởng từ tình hình xung đột Trung Đông.
Cuộc họp do Cục trưởng Chính sách công nghiệp và tài nguyên Yoo Beop-min chủ trì, cùng với sự tham gia của đại diện Tổng công ty dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC), Tổng công ty khí gas (KOGAS), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cùng các viện nghiên cứu, hiệp hội liên quan.
Bộ Công nghiệp đã tiến hành kiểm tra trạng thái đối phó khẩn cấp của các cơ quan, doanh nghiệp với kịch bản là xung đột quân sự giữa Israel-Hamas lan sang các nước dầu mỏ xung quanh.
Theo Bộ Công nghiệp, Chính phủ đang sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, với nguồn dầu dự trữ ở cả khối Nhà nước và tư nhân đủ dùng trong 8 tháng theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), và lượng tồn kho khí đốt trên mức nghĩa vụ theo pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thực hiện các biện pháp đa dạng theo từng giai đoạn khủng hoảng cung cầu, như mở kho dự trữ dầu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tìm kiếm các kênh cung cấp thay thế.
Bộ Công nghiệp nhận định kể từ sau khi nổ ra xung đột Israel-Hamas, giá dầu quốc tế đã tăng ở ngưỡng 4%, nhưng vẫn dao động dưới 90 USD, chưa thể bằng ngưỡng cao nhất trong năm xác lập vào ngày 27/9 (99,55 USD/thùng). Theo đó, giá xăng và dầu diesel trong nước vẫn đang giữ ở mức ổn định.
Cục trưởng Yoo cho biết Hàn Quốc đang nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông. Mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu trong nước vẫn chưa gặp trở ngại nào đặc biệt. Tuy nhiên, Hàn Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu nhất như chiến tranh lan rộng sang các nước dầu mỏ khác, đóng cửa eo biển Hormuz. Bộ Công nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ, duy trì hệ thống đối phó khẩn cấp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp.