Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Di sản thế giới diễn ra tại Paris (Pháp) vào ngày 22/11 (giờ địa phương), Hàn Quốc đã trúng cử trở thành nước thành viên mới của Ủy ban Di sản thế giới, thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), nhiệm kỳ 2023-2027.
Đây là lần thứ 4 Hàn Quốc trúng cử nước thành viên Ủy ban Di sản thế giới. Các nhiệm kỳ trước đó của Seoul là 1997-2003, 2005-2009, 2013-2017.
Ủy ban di sản thế giới gồm 21 trong số 195 nước tham gia Công ước Di sản thế giới. Thành viên Ủy ban Di sản có nhiệm kỳ 6 năm, nhưng theo thông lệ chỉ hoạt động 4 năm.
Ủy ban Di sản thế giới là cơ quan có quyền hạn thẩm định danh sách các di sản thế giới mà các nước trình lên, lựa chọn ra di sản văn hóa, di sản tự nhiên và di sản tổng hợp. Ngoài ra, Ủy ban cũng quản lý danh mục di sản thế giới, thực thi các biện pháp khẩn cấp để bảo hộ di sản trong trường hợp xảy ra tình huống có nguy cơ gây tổn hại tới di sản như chiến tranh, thiên tai, ô nhiễm, phát triển bừa bãi.
Đặc biệt, Ủy ban Di sản thế giới hiện đang thẩm định về việc có công nhận di sản thế giới với mỏ Sado của Nhật Bản hay không. Đây là nơi từng cưỡng ép lao động người Joseon (Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay).
Ủy ban này cũng đang thẩm định tình hình quản lý Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị, nơi được công nhận là di sản thế giới vào năm 2015. Quần thể này bao gồm đảo Hashima (còn gọi là đảo Quân hạm), cũng là nơi từng cưỡng ép lao động người Joseon.
Hiện tại, Nhật Bản đang là nước thành viên của Ủy ban, hoạt động cho tới năm 2025. Việc Hàn Quốc cũng có mặt trong danh sách thành viên Ủy ban Di sản dự kiến sẽ giúp Seoul có thể tích cực nêu ra lập trường của mình trong quá trình thẩm định tại Ủy ban.