Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 24/1 công bố báo cáo xu hướng tiêu dùng tháng 1, cho biết chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng này là 101,6 điểm, tăng 1,9 điểm so với tháng trước.
Chỉ số tâm lý tiêu dùng được tính từ 6 chỉ số chính trong chỉ số lòng tin của người tiêu dùng (CSI), lấy mức chuẩn 100 điểm là bình quân dài hạn, nếu chỉ số này trên 100 điểm thì có nghĩa tâm lý tiêu dùng lạc quan, nếu thấp hơn 100 điểm nghĩa là tâm lý tiêu dùng bi quan.
Năm ngoái, chỉ số tâm lý tiêu dùng đã giảm từ 103,4 điểm vào tháng 7 xuống còn 103,3 điểm trong tháng 8, rồi rớt xuống dưới mốc 100 điểm trong các tháng từ 9-12. BOK phân tích chỉ số tâm lý tiêu dùng tăng hai tháng liên tiếp là do tỷ lê lạm phát đang chững lại, cùng với tâm lý kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngừng tăng lãi suất và xuất khẩu được cải thiện.
Tâm lý kỳ vọng về giá nhà tăng trong tháng 1 đã ghi nhận đà giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Chỉ số triển vọng giá nhà thể hiện tâm lý của người tiêu dùng về giá nhà ở đạt 92 điểm, giảm 1 điểm so với tháng trước. Ngân hàng trung ương giải thích nguyên nhân là bởi ảnh hưởng từ giao dịch nhà ở bị co hẹp do lo ngại tình trạng mất khả năng thanh khoản các khoản vay của tổ chức tài chính phi ngân hàng đối với dự án bất động sản (PF), các quy định vay vốn bị siết chặt và lãi suất cao.
Chỉ số triển vọng về lãi suất đạt 99 điểm, giảm 8 điểm so với tháng trước đó, do tâm lý kỳ vọng Mỹ ngừng tăng lãi suất và tỷ lệ lạm phát chững lại. Chỉ số triển vọng về vật giá đạt 143 điểm, giảm 3 điểm. Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng, tương ứng với triển vọng giá cả trong một năm tới, là 3,0%, giảm 0,2%.