Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 8/3 công bố báo cáo thống kê sơ bộ cho biết cán cân vãng lai của Hàn Quốc tháng 1 năm nay thặng dư 3,05 tỷ USD, đà thặng dư 9 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, quy mô thặng dư đã thu hẹp hơn 4,3 tỷ USD so với một tháng trước.
Xét theo từng hạng mục, cán cân hàng hóa theo thành tích xuất khẩu và nhập khẩu thặng dư 4,24 tỷ USD, quy mô thặng dư giảm so với tháng 12 năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt 55,22 tỷ USD, tăng 14,7%. Trong đó, xuất khẩu chíp bán dẫn và xe ô tô tăng lần lượt 52,8% và 24,8%; xuất khẩu máy móc và thiết bị chính xác tăng 16,9%, duy trì xu thế tăng tháng thứ 4 liên tiếp.
Nhập khẩu tháng 1 đạt 50,98 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước đó. BOK giải thích giá năng lượng giảm và nhu cầu nội địa chững lại khiến nhập khẩu vẫn tiếp tục xu thế giảm. Cụ thể, nhập khẩu nguyên vật liệu thô ghi nhận mức giảm lớn nhất với 11,3%.
Cán cân dịch vụ thâm hụt 2,66 tỷ USD trong tháng 1, do lượng du khách quốc tế tới Hàn Quốc vẫn chưa hồi phục mặc dù lượng khách Hàn du lịch nước ngoài vẫn tăng đều. Quy mô thâm hụt cán cân thương mại là 1,47 tỷ USD, tăng so với tháng 12 năm ngoái (thâm hụt 1,34 tỷ USD).
Cán cân thu nhập sơ cấp (thu nhập từ tiền lương, cổ tức, lãi) thặng dư 1,62 tỷ USD, tiếp tục đà thặng dư sang tháng thứ hai, song quy mô thặng dư có phần thu hẹp hơn do doanh nghiệp trong nước có mức thu nhập cổ tức giảm từ các công ty con tại nước ngoài.
Giá trị tài sản ròng (tài sản trừ đi nợ) trong tài khoản tài chính tăng 2,81 tỷ USD, mức tăng giảm so với tháng trước. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại nước ngoài tăng 2,16 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc tăng 220 triệu USD. Đầu tư chứng khoán của người Hàn Quốc tại nước ngoài tăng 6,51 tỷ USD, và đầu tư chứng khoán của người nước ngoài tại Hàn Quốc tăng 6,52 tỷ USD với xu hướng là đầu tư vào trái phiếu.