Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 5 năm tù giam và 500 triệu won (387.000 USD) tiền phạt với Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong liên quan tới thương vụ sáp nhập công ty xây dựng Samsung và công ty công nghiệp Cheil, và gian lận kế toán, hơn ba năm kể từ ngày ông này bị truy tố.
Trong ngày 17/11, Tòa án khu vực Trung Seoul mở phiên tòa xét xử lần cuối cùng với 14 bị cáo có liên quan trong vụ án này, trong đó có ông Lee Jae-myung và cựu Giám đốc Bộ phận chiến lược tương lai Choi Ji-sung. Hội đồng xét xử dự kiến sẽ đưa ra phán quyết sơ thẩm vào đầu năm sau.
Ông Lee bị quy kết ba cáo buộc chính liên quan tới vụ sáp nhập công ty xây dựng Samsung và công ty công nghiệp Cheil, đó là vi phạm Luật thị trường vốn, biển thủ và dính líu tới vụ gian lận kế toán của công ty Samsung Biologics, vi phạm Luật kiểm toán bên ngoài.
Chủ tịch Lee đã thực hiện các giao dịch bất chính, thao túng giá thị trường, đẩy giá cổ phiếu của công ty Cheil mà ông là cổ đông lớn nhất, nhằm tiến hành thương vụ sáp nhập gây bất lợi cho công ty xây dựng Samsung. Trong quá trình này, ông Lee bị nghi ngờ đã gian lận kế toán 4.000 tỷ won (3,1 tỷ USD), thổi phồng tài sản của công ty Samsung Biologics, một công ty con của công ty Cheil.
Viện Kiểm sát nhấn mạnh đây là một vụ án gây tổn hại tới nền tảng thị trường vốn. Chủ tịch Lee là người chịu trách nhiệm cao nhất, lợi ích từ hành vi phạm tội trên thực tế thuộc về ông này.
Các công tố viên cho rằng ông Lee đã thực hiện các hành vi phạm tội này thông qua Bộ phận chiến lược tương lai trong suốt nhiều năm liền, nhằm thừa kế quyền điều hành tập đoàn một cách ổn định.
Ngược lại, phía Chủ tịch Lee khẳng định ông này vô tội, và tất cả các hoạt động trên đều là những hoạt động kinh doanh hợp lý.
Trong quá trình điều tra, Ủy ban thẩm định điều tra của Viện Kiểm sát, được triệu tập theo đề nghị của ông Lee, đã nêu ý kiến tạm dừng điều tra vụ án và không truy tố lãnh đạo Samsung, nhưng Viện Kiểm sát vẫn quyết định truy tố ông Lee vào tháng 9/2020, với lý do đây là vụ án làm dấy lên nghi ngờ lớn trong dân chúng, phải được cơ quan tư pháp ra phán quyết.