Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 5/12 công bố báo cáo “Xu hướng giá tiêu dùng tháng 11/2023”. Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng đạt 112,74 điểm (so với mức chuẩn 100 điểm năm 2020), tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng giá tiêu dùng có chiều hướng tăng dần từ tháng 8 (3,4%) tới tháng 10 (3,8%), nhưng giảm xuống còn 3,3% trong tháng 11, được phân tích là bởi ảnh hưởng của giá dầu mỏ giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá xăng tăng 2,4%, giá dầu diesel và dầu hỏa giảm lần lượt 13,1% và 10,4%.
Giá các mặt hàng nông sản, chăn nuôi, thủy sản tăng 6,6%, thấp hơn mức giảm 7,3% tháng 10. Tuy nhiên, riêng giá nông sản tăng 13,6%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2021 (14,9%). Trong đó, giá táo tăng 55,5%, cà chua tăng 31,6%, quýt tăng 16,7%. Giá thịt bò nội địa giảm 3,6%, thịt lợn giảm 2,4%. Chỉ số các mặt hàng thực phẩm tươi sống, gồm những mặt hàng có biến động giá cả lớn tùy theo mùa hay tình hình thời tiết, tăng 12,7%.
Cục Thống kê quốc gia cho biết mặc dù giá trái cây đã giảm mạnh 9,1% so với tháng 10 nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá sinh hoạt, thể hiện cảm nhận thực tế về giá cả, gồm chủ yếu các mặt hàng có tần suất mua thường xuyên, tăng 4%. Chỉ số vật giá cơ bản, phản ánh dòng chảy chung của vật giá (không bao gồm nông sản và các loại xăng, dầu), tăng 3,3%.
Giá tiêu dùng cơ bản, không gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng theo cách tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng 3%, thấp hơn mức tăng 3,2% của tháng trước.
Chính phủ Hàn Quốc nhận định các điều kiện về cung cầu các mặt hàng nông sản chính đã được cải thiện, giá xăng dầu vẫn đang ổn định, nên giá tiêu dùng sẽ giữ được chiều hướng ổn định. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng dự báo trong trường hợp giá dầu không tăng vọt trở lại thì đà tăng giá tiêu dùng sẽ chậm lại nhưng tốc độ tương đối chậm.