Trong đợt thanh tra Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc của Quốc hội hôm 12/10, Giám đốc của cơ quan này là ông Choi Eung-chon cho biết đã kháng nghị mạnh mẽ về vấn đề đảo quân hạm (đảo Hashima theo cách gọi của người Nhật Bản) trong cuộc họp của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra vào tháng 9 tại Ả-rập Xê-út.
Đây là câu trả lời của ông Choi sau khi nhận được câu hỏi từ một nghị sĩ của đảng đối lập Dân chủ đồng hành rằng liệu có cần phải ứng phó cứng rắn đối với việc Nhật Bản xúc tiến đưa di tích này trở thành di sản thế giới hay không.
Vào năm 2015, Tokyo đăng ký công nhận di sản văn hóa thế giới đối với Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị, (hay còn gọi là Cải cách Minh Trị (1886-1889)), trong đó bao gồm đảo quân hạm; đồng thời hứa sẽ phổ biến “toàn bộ lịch sử” liên quan đến địa điểm này, bao gồm cả việc cưỡng ép lao động người Joseon (người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay). Tuy nhiên, nước này đã bị chỉ trích là đã không giữ lời hứa.
Mặt khác, trong lần công du Ả-rập Xê-út để đăng ký công nhận di tích Quần thể lăng mộ Gaya (Gaya Tumuli) của Hàn Quốc là di sản văn hóa thế giới, Giám đốc Cục Di sản văn hóa quốc gia đã gặp gỡ ông Ernesto Ottone Ramirez, Trợ lý phụ trách văn hóa của Tổng giám đốc UNESCO. Tại đây, ông Ramirez đã chia sẻ sẽ tích cực hỗ trợ việc đưa Seoul vào hàng ngũ nước thành viên của Ủy ban di sản thế giới.
Trong phiên thanh tra của Quốc hội, ông Choi còn thể hiện quyết tâm sẽ tận tâm với nhiệm vụ vốn có của Cục Di sản văn hóa quốc gia, nỗ lực hết sức để bảo vệ các di sản văn hóa của Hàn Quốc.