Bộ Tài chính Mỹ ngày 20/6 (giờ địa phương) công bố “Báo cáo tỷ giá nửa đầu năm 2024”, xếp 7 nước trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, là nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái. Nối tiếp nửa cuối năm ngoái, lần này Hàn Quốc vẫn nằm ngoài danh sách các nước cần theo dõi tỷ giá hối đoái của Mỹ.
Căn cứ theo Luật xúc tiến thương mại, từ năm 2015, Mỹ tiến hành đánh giá về chính sách vĩ mô và chính sách tỷ giá của 20 đối tác thương mại lớn của nước này, trong đó chỉ định “nước cần phân tích chuyên sâu” và “nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái” nếu nằm trong các tiêu chuẩn nhất định.
Nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái là nước có hai trong số ba tiêu chuẩn mà Chính phủ Mỹ đề ra. Đó là cán cân hàng hóa, dịch vụ thặng dư thương mại trên 15 tỷ USD với Mỹ; thặng dư cán cân vãng lai vượt quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); và mua ròng đô-la Mỹ trên 2% GDP trong suốt 8 tháng liên tiếp.
Mục đích của quy định này là nhằm ngăn chặn Chính phủ của một nước can thiệp điều chỉnh tỷ giá hối đoái hòng thu về lợi nhuận trong giao dịch thương mại với Mỹ. Trong trường hợp một quốc gia có cả ba tiêu chuẩn nói trên thì sẽ thuộc nhóm các nước cần phân tích chuyên sâu.
Lần này, Seoul phạm điều kiện về quy mô thặng dư thương mại với Washington. Trong năm ngoái, quy mô thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ là 44,5 tỷ USD. Thặng dư cán cân vãng lai của Hàn Quốc năm ngoái là 35,49 tỷ USD, chỉ bằng 2,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hàn Quốc liên tục bị Mỹ xếp vào nhóm các nước cần theo dõi về tỷ giá kể từ sau tháng 4/2016. Tới tháng 11 năm ngoái, Seoul lần đầu được Washington loại khỏi danh sách này sau hơn 7 năm.