Tại cảng Rajin của Bắc Triều Tiên, gần biên giới với Nga, trong số ba cầu cảng, có hai cầu cảng là do Trung Quốc và Nga thuê, còn lại một nơi là cầu cảng chuyên dụng của miền Bắc.
Theo hình ảnh vệ tinh thương mại của hãng Planet Labs (Mỹ) chụp cảng Rajin vào ngày 21/10 vừa qua, tại cầu cảng chuyên dụng của miền Bắc bắt đầu xuất hiện nhiều container. Tới ngày 23/10, một chiếc tàu cỡ lớn có chiều dài 125m chất đầy container rời khỏi cảng.
Vào ngày 19/10 trước đó cũng xuất hiện một chiếc tàu có kích thước tương tự, chở container rồi rời đi vào ngày 20/10. Tại cầu cảng này cũng xuất hiện tàu cỡ lớn vào các ngày 7 và 11/10, chở đầy container rồi rời đi.
Nhà Trắng Mỹ ngày 13/10 vừa qua từng đưa ra chứng cứ là hình ảnh vệ tinh chụp cảng Rajin vào ngày 7 và 8/9, cho biết trong vòng vài tuần trở lại đây, Bắc Triều Tiên đã gửi lượng vũ khí và đạn dược tương đương 1.000 container cho Nga. Vậy nhưng trong tháng 10, ít nhất miền Bắc đã 4 lần vận chuyển container cho Nga bằng đường biển.
Giám đốc trung tâm phân tích hình ảnh thuộc Viện nghiên cứu chiến lược an ninh bán đảo Hàn Quốc Jeong Seong-hak phân tích có vẻ như Bắc Triều Tiên tập kết các container chở vật tư quân sự ở cầu cảng này, dùng cầu trục cỡ lớn để đưa lên tàu. Có khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chất thêm hàng chuyển cho Matxcơva trong thời gian tới.
Tất nhiên, chưa thể khẳng định hoàn toàn số hàng hóa này là vũ khí, nhưng các hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa hai nước vẫn đang diễn ra sôi nổi tại cảng Rajin, khiến ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại trong dư luận.
Theo Nhà nghiên cứu cấp cao Hong Min thuộc Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, kể từ trước khi diễn ra cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga-Triều, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã hai lần tới thăm nhà máy sản xuất quân nhu, kiểm tra lần cuối hệ thống sản xuất quy mô lớn. Có vẻ như từ sau đó, Bình Nhưỡng bắt đầu cung cấp vũ khí một cách liên tục và ổn định cho Matxcơva.
Bên cạnh đó, số toa tàu chở hàng trên tuyến đường sắt nối liên hai nước Nga-Triều cũng đang có sự gia tăng nhanh chóng gần đây.
Về phần mình, Bắc Triều Tiên vẫn một mực bác bỏ nghi ngờ giao dịch vũ khí với Nga, cho rằng đây chỉ là suy diễn đơn phương của Mỹ.