Nhật báo Kommersant của Nga ngày 3/11 (giờ địa phương) đăng bài nhận xét việc Bắc Triều Tiên rút Đại sứ quán ở nước ngoài gần đây chỉ là bước khởi đầu, xét đến những khó khăn tài chính của nước này thì trong tương lai sẽ còn có nhiều cơ quan ngoại giao bị đóng cửa.
Miền Bắc gần đây đã cho đóng cửa Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán ở Uganda, Angola, Hong Kong và Tây Ban Nha.
Cơ quan tình báo các nước phương Tây tin rằng trong số các cơ quan ngoại giao mà Bình Nhưỡng quyết định đóng cửa, Tổng lãnh sự quán Hong Kong từng đóng vai trò giúp nước này kiếm ngoại tệ, mua sắm hàng hóa và là cánh cửa liên lạc với phương Tây. Các chuyên gia phân tích Bắc Triều Tiên quyết định đóng cửa cơ quan này vì đang có Đại sứ quán, Lãnh sự quán ở Bắc Kinh và Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), còn Hong Kong hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Hãng truyền thông Mỹ chuyên về Bắc Triều Tiên NK News cho biết việc đóng cửa có thể sẽ tiếp diễn tại 10-12 quốc gia nữa trong tương lai, một trong số đó có khả năng là Tanzania ở châu Phi. Tuy vậy, miền Bắc sẽ tiếp tục vận hành cơ quan ngoại giao tại các nước có phái đoàn ngoại giao cư trú.
Giáo sư Andrei Lankov của trường Đại học Kookmin (Hàn Quốc) cũng dự đoán Bình Nhưỡng vốn đang gặp khó khăn về tài chính và nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga nên có thể ưu tiên đóng cánh cửa đối ngoại ở những quốc gia mà nước này không đạt được lợi ích rõ ràng, giảm số lượng ở Trung và Đông Âu và chỉ giữ lại 3-4 Đại sứ quán ở châu Âu. Ngược lại, dự kiến Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục vận hành Đại sứ quán ở các quốc gia giao lưu tích cực như Syria, Ai Cập và Iran.
Miền Bắc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 159 quốc gia, và hiện đang có 46 Đại sứ quán, 3 Lãnh sự quán và 3 Văn phòng đại diện phái bộ ngoại giao đóng tại nước ngoài (tính đến ngày 3/11).
Về phần mình, Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng lý do đồng loạt rút các cơ quan ngoại giao từ tháng trước không phải do khó khăn tài chính vì các lệnh trừng phạt được tăng cường mà là để tái triển khai hiệu quả năng lực ngoại giao.