Bộ Tư pháp Hàn Quốc ngày 28/12 đã ấn định và công bố Kế hoạch cơ bản lần 4 về chính sách người nước ngoài (giai đoạn 2023-2027). Đây là kế hoạch tổng thể liên ngành cấp cao nhất, đề ra nguyên tắc cơ bản và phương hướng trong chính sách nhập cư.
Kế hoạch lần này đưa ra tầm nhìn “Một quốc gia tiên phong toàn cầu hướng tới tương lai, nơi người dân và người nhập cư cùng nhau tiến bước”, với 5 mục tiêu chính sách và 18 nhiệm vụ trọng điểm.
5 mục tiêu chính sách bao gồm thúc đẩy kinh tế và phát triển khu vực vận dụng nguồn lực người nhập cư, xây dựng một xã hội trật tự và an toàn, đoàn kết xã hội giữa người Hàn và người nhập cư, xây dựng một xã hội tôn trọng nhân quyền người nhập cư, thiết lập nền tảng hành chính về nhập cư phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu.
Đặc biệt, kế hoạch đề ra lộ trình thành lập Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và nhập cư, đóng vai trò là “tháp điều khiển”, hoạch định chính sách nhập cư một cách thống nhất trên phương diện toàn ban ngành Chính phủ; sửa đổi Luật về đãi ngộ với người nước ngoài tại Hàn Quốc thành Luật cơ bản về chính sách nhập cư (tên tạm thời).
Một nội dung khác kế hoạch cắt giảm số người cư trú trái phép hiện đang là 420.000 người xuống 200.000 người trong vòng 5 năm tới; kiện toàn chế độ, lập căn cứ pháp lý để tiến hành điều tra với các cơ sở tuyển dụng lao động nước ngoài.
Để thu hút người nhập cư cho nền kinh tế, Chính phủ sẽ thúc đẩy về mặt chế độ để những người có học vị cao như thạc sĩ, tiến sĩ ở khối ngành tự nhiên, kỹ thuật nhanh chóng được cấp quốc tịch và quyền cư trú vĩnh viễn tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, để giải tỏa vấn đề thiếu nguồn cung lao động lành nghề trong các ngành công nghiệp, Chính phủ sẽ mở rộng tuyển dụng lao động lành nghề người nước ngoài, xúc tiến áp dụng chế độ tuyển dụng người nước ngoài ở lĩnh vực chăm sóc.
Để tăng cường bảo hộ nhân quyền cho người nhập cư, Chính phủ sẽ áp dụng chế độ “khai sinh phổ quát” để mọi trẻ em người nước ngoài đều có thể được đăng ký khai sinh bất kể tư cách cư trú; phát triển chương trình đào tạo tăng cường năng lực chuyên môn và tính công bằng cho nhân lực chuyên trách xét công nhận người tị nạn.