Ủy ban Thương mại công bằng của Nhật Bản (JFTC) ngày 31/1 đã phê duyệt thương vụ sáp nhập của hai hãng hàng không Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines. Tuy nhiên, phía cơ quan Nhật Bản yêu cầu Korean Air phải đưa ra biện pháp khắc phục với các đường bay Hàn-Nhật có lo ngại bị hạn chế cạnh tranh trong trường hợp các hãng hàng không của Hàn Quốc sáp nhập.
Về điều này, Korean Air tính toán rằng trong số 12 đường bay Hàn-Nhật đang khai thác, có 5 đường bay không có lo ngại bị hạn chế cạnh tranh. Còn lại, đối với 4 đường bay từ Seoul (tới Osaka, Sapporo, Nagoya, Fukuoka) và 3 đường bay từ Busan (tới Osaka, Sapporo, Fukuoka), Korean Air quyết định nhượng lại một phần “slot” bay nếu các hãng hàng không, trong đó bao gồm hãng hàng không giá rẻ trong nước, muốn khai thác các chặng này.
Korean Air đánh giá quyết định phê duyệt của cơ quan cạnh tranh Nhật Bản mang ý nghĩa lớn hơn so với các nước khác. Nhật Bản là nước gần gũi nhất với Hàn Quốc về mặt địa lý, lại là nơi Hàn Quốc đang cạnh tranh về vị thế sân bay trung tâm trong khu vực Đông Bắc Á. Việc cơ quan chức năng nước này phê duyệt thương vụ sáp nhập dự kiến sẽ tác động tích cực tới quyết định của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. EU hiện đặt ra thời hạn phê chuẩn là ngày 14/3, trong khi Mỹ chưa đưa ra thời hạn.
Hãng hàng không này sẽ đẩy nhanh quá trình tham vấn với cơ quan cạnh tranh của EU và Mỹ để hoàn tất sớm quy trình thẩm định thương vụ sáp nhập. Từ sau tháng 1/2021, Korean Air đã báo cáo lên 14 quốc gia về việc sáp nhập với Asiana Airlines, hiện tại chỉ còn EU, Mỹ là vẫn chưa phê chuẩn.