Trang tin điện tử VnExpress của Việt Nam, một số hãng truyền thông quốc tế như AFP (Pháp), Bloomberg (Mỹ) ngày 16/1 đưa tin 13 kênh truyền hình của Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC) và kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam VOVTV đã đồng loạt ngừng phát sóng từ ngày 15/1 căn cứ theo đợt cải tổ bộ máy Chính phủ.
Các phát thanh viên của VTC, đài truyền hình lớn thứ hai tại Việt Nam, trong buổi phát sóng ngày 14/1 đã gửi lời chào tạm biệt tới khán giả, kết thúc “sứ mệnh 20 năm phục vụ cộng đồng và xã hội”.
Kênh truyền hình Nhân Dân thuộc báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam, cũng đã phát sóng buổi cuối vào ngày 14/1. Kênh truyền hình Quốc hội thì đã dừng phát sóng từ ngày 1/1. Như vậy, có ít nhất 16 kênh truyền hình Nhà nước đã dừng hoạt động.
Căn cứ theo đường lối cải tổ bộ máy Chính phủ, tất cả các chức năng, nghiệp vụ của những kênh trên sẽ được chuyển giao về Đài truyền hình Việt Nam (VTV), đài truyền hình Nhà nước lớn nhất.
Việt Nam đang triển khai đợt tinh gọn bộ máy Chính phủ quy mô lớn nhất kể từ sau chính sách “Đổi mới” năm 1986, cắt giảm từ 30 cơ quan, tổ chức trung ương xuống còn 22. Mục tiêu đợt cải tổ lần này là cắt giảm khoảng 20% bộ máy Chính phủ và quy mô công chức.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Chính phủ Việt Nam sẽ xử lý ra sao với những nhân viên làm việc tại các kênh truyền hình nói trên, trong đó bao gồm khoảng 800 nhân viên của VTC.
Bloomberg nhận định rằng đợt tinh gọn lần này có thể giúp cắt giảm chi phí, loại bỏ các quy trình thủ tục rườm rà, lề thói quan liêu cho các cơ quan, tổ chức Chính phủ; nhưng mặt khác cũng sẽ hạn chế nghiêm trọng các phương tiện truyền bá thông tin trong môi trường truyền thông do Nhà nước kiểm soát.