Vào năm 2020, Hàn Quốc và Mỹ đã sửa đổi bản Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn-Mỹ, cho phép Seoul có thể sử dụng nhiên liệu rắn với tên lửa đẩy vũ trụ.
Sau đó, quân đội Hàn Quốc đã chính thức bắt tay vào phát triển tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn. Về phần mình, Bắc Triều Tiên cũng đẩy mạnh phát triển tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, nhưng quân đội Hàn Quốc đã phóng thử nghiệm thành công trước.
Vào tháng 3 năm 2022, quân đội Hàn Quốc phóng thử lần một tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn. Tới tháng 12 cùng năm, miền Bắc cũng tuyên bố nước này thử nghiệm thành công động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn. Khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy 140 tấn.
Hai tuần sau đó, quân đội Hàn Quốc tiếp tục đi trước một bước, phóng thử nghiệm thành công lần hai tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn. Tới tháng 4 năm 2023, Bình Nhưỡng tuyên bố nước này đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn.
Nước này còn tiết lộ rằng tên lửa đã được phóng từ bệ phóng di động giấu trong đường hầm, nhằm nhấn mạnh về tính cơ động và nhanh chóng, vốn là những điểm mạnh của tên lửa đẩy nhiên liệu rắn.
Tới ngày 4/12, quân đội Hàn Quốc đã phóng thử nghiệm tiếp tên lửa đẩy vũ trụ nhiên liệu rắn từ vùng biển gần đảo Jeju. Khác với hai lần trước, trong lần phóng này, quân đội đã lần đầu kiểm chứng về lực đẩy của động cơ nhiên liệu rắn tầng một.
Quân đội đánh giá lực đẩy của động cơ tầng một trong vụ phóng vừa rồi ưu việt hơn gấp 1,5 lần so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 của Bắc Triều Tiên. Quân đội dự kiến sẽ tiến hành phóng thử nghiệm lần cuối cùng, rồi sau đó phóng vệ tinh trinh sát bằng tên lửa đẩy nhiên liệu rắn sau hai năm nữa.