Quỹ hỗ trợ người tị nạn Bắc Triều Tiên (The Korea Hana Foundation) thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 27/12 công bố kết quả điều tra về tình hình người tị nạn miền Bắc năm 2023.
Trong năm nay, có 63,4% người tị nạn Bắc Triều Tiên tham gia hoạt động kinh tế tại Hàn Quốc, tăng 0,4% so với năm ngoái. Tỷ lệ tuyển dụng đạt 60,5%, tăng 1,3%. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp là 4,5%, giảm 1,6%. Tuy nhiên, nếu so với người Hàn thì tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế và tỷ lệ tuyển dụng của người tị nạn miền Bắc thấp hơn lần lượt 1,9% và 3%, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 1,8%.
Mức lương bình quân tháng của người tị nạn Bắc Triều Tiên là 2.457.000 won (1.900 USD), tăng 73.000 won (56 USD) so với năm 2022. Con số này vẫn thấp hơn 550.000 won (425 USD) so với mức lương bình quân người Hàn.
Quỹ hỗ trợ người tị nạn Bắc Triều Tiên giải thích điều này là bởi hơn 70% người tị nạn miền Bắc là nữ giới, trong khi cách biệt mức lương giữa nam và nữ tại Hàn Quốc vẫn còn cao.
79,3% người tị nạn miền Bắc cảm thấy hài lòng về cuộc sống mới tại miền Nam, mức cao kỷ lục trong các cuộc điều tra từ trước tới nay. Lý do khiến họ hài lòng nhiều nhất là “có thể sống một cuộc sống tự do” (41%).
Có 16,1% trả lời từng bị coi thường, phân biệt đối xử vì là người tị nạn miền Bắc, giảm 3,4% so với năm ngoái, mức thấp kỷ lục. Trong đó, lý do lớn nhất là “khác biệt về văn hóa, cách giao tiếp” (72,8%), tiếp theo là “cái nhìn tiêu cực về người tị nạn miền Bắc” (45,5%), “thiếu kiến thức, năng lực chuyên môn so với người Hàn” (16,4%).
Cuộc điều tra lần này được thực hiện với 2.500 trong số hơn 30.000 người tị nạn Bắc Triều Tiên trên 15 tuổi nhập cảnh vào Hàn Quốc từ năm 1997-2022, tiến hành từ tháng 5 và tháng 6 năm nay theo hình thức phỏng vấn trực tiếp. Kết quả điều tra có độ tin cậy 95%, sai số trong khoảng ±1,9%.
Quỹ hỗ trợ người tị nạn Bắc Triều Tiên tiến hành điều tra thường niên từ năm 2011, thu thập tài liệu về tình hình ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc của người tị nạn miền Bắc, để vận dụng vào việc phát triển chính sách, dự án hỗ trợ cho những đối tượng này.