Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 2/2 công bố trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng đạt 113,15 điểm (so với mức chuẩn 100 điểm năm 2020), tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ tăng giá tiêu dùng xuống ngưỡng 2% sau 6 tháng kể từ tháng 7 năm 2023.
Xét theo mặt hàng, giá nông sản, chăn nuôi, thủy sản tăng 8% so với một năm trước, cao hơn mức tăng 7,7% tháng 12 năm ngoái. Đặc biệt, giá hoa quả tăng mạnh, như táo tăng 56,8%, cà chua tăng 51,9%, quýt tăng 39,8%, lê tăng 41,2%. Giá hoa quả tăng được cho là do sản lượng thu hoạch giảm. Riêng với quýt, do giá các loại hoa quả khác tăng nên người dân chuyển sang mua mặt hàng này đẩy giá tăng theo.
Giá các mặt hàng dầu mỏ giảm 5%. Dịch vụ ăn uống tăng 4,3%. Giá tiêu dùng cơ bản, không gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng theo cách tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng 2,5% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 25 tháng kể từ tháng 12/2021.
Chỉ số vật giá cơ bản, phản ánh dòng chảy chung của vật giá (không bao gồm nông sản và các loại xăng, dầu), tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong vòng 26 tháng kể từ tháng 11/2021. Chỉ số giá sinh hoạt, thể hiện cảm nhận thực tế về giá cả, gồm chủ yếu các mặt hàng có tần suất mua thường xuyên, tăng 3,4%.
Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok nhận định giá tiêu dùng có thể tăng trở lại ngưỡng 3% trong tháng 2 và tháng 3 do giá dầu quốc tế đang tăng lại mức 80 USD/thùng giữa bất ổn Trung Đông gần đây. Ngoài giá dầu còn có yếu tố bất ổn khác như thời tiết bất thường mùa đông.
Chính phủ sẽ thực thi nhanh các đối sách ổn định dân sinh trong dịp Tết Nguyên đán, để kiểm soát mức tăng giá cả ở ngưỡng 2%.