Tết Âm Lịch (설날) và sự khác biệt văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc

Hàng năm, cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đều chào đón Tết Nguyên đán theo âm lịch.  (Ảnh: Korea.net DB)

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình được sum vầy và đoàn tụ sau một năm hăng say làm việc, chăm chỉ học tập. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt và Hàn Quốc với vô vàn các phong tục, tập quán, văn hóa phong phú được các thế hệ tiếp nối và lưu giữ, phát huy.

Trải qua một mùa đông lạnh nhất đời mình cuối cùng mình cũng đã được đón cái Tết đầu tiên mang đậm nét văn hóa tại Hàn Quốc. Năm nay mình không có cơ hội về Việt Nam ăn Tết Đoàn Viên cùng gia đình nên tuy thấy buồn và có chút cô đơn nhưng đã rất may mắn khi một cô người Hàn Quốc coi mình như con gái và mời về nhà của cô để ăn Tết cùng nhau.

Bên cạnh đó, mình cũng đã đến thăm những người bạn Hàn thân thiết của mình nên đã có cơ hội trải nghiệm trực tiếp đủ để rút ra rất nhiều điểm giống nhau và khác nhau trong văn hóa Tết của người Việt Nam – Hàn Quốc.

Các phong tục trong dịp Tết Nguyên đán của Hàn Quốc và Việt Nam có điểm giống nhau, cũng có một số điểm kháu nhau. (Ảnh: iclickart)

Điểm chung đầu tiên giữa Tết Việt Nam và Tết Hàn Quốc là đều diễn ra vào ngày 1 tháng 1 âm lịch hằng năm. Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều giữ truyền thống đạo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng việc đi tảo mộ. Vào đêm giao thừa, gia đình thường quây quần ở một nhà để cùng nhau đón tiếp năm mới một cách vui vẻ. Ngày đầu tiên của ngày Tết Nguyên đán, các gia đình cùng nhau làm cơm dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng kính trọng cũng như xin sự phù hộ từ tổ tiên.

Bài viết liên quan  Tết Trung thu (추석) và sự khác biệt văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc

Hai nước này cũng có khá nhiều điểm khác nhau nhưng mình kể một số ví dụ tiêu biểu ở dưới đây.

Tết Việt Nam

Đầu tiên, người Việt Nam có ngày lễ Tết tầm 7 ngày và trong đó cũng có năm kéo dài đến 10 ngày. Trong thời gian này, hầu hết mọi cửa hàng thường không mở cửa để nghỉ ngơi và ăn Tết với gia đình của mình.

Cả gia đình vào cuối năm sẽ chung tay tất bật tổng vệ sinh và trang trí nhà cửa bằng Hoa Đào, Hoa Mai hay cây Quất. Phụ nữ sẽ đi chợ để sắm sửa mâm ngũ quả trên bàn thờ (trưng bày 5 loại trái cây cầu phúc – bình an), hoa, bánh kẹo, thịt, rau, v.v… Tục lệ làm Bánh Chưng, Bánh Dày cũng là một trong những tục lệ truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.

Hơn nữa, theo truyền thống của người Việt, họ luôn cúng Ông Công, Ông Táo tiễn Táo quân về trời vào ngày 23 tháng chạp. Với gia đình muốn giữ nét truyền thống cổ xưa thì ngày đầu tiên Tết Nguyên đán sẽ mặc trang phục truyền thống áo dài và người Việt sẽ đi chúc tết lẫn nhau, chào hỏi. Ở Việt Nam, các người lớn sẽ tặng tiền lì xì năm mới cho trẻ em và các cặp đôi mới cưới.

Bài viết liên quan  Ngày của thần, Ngày tốt nhất - Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc

Tết Hàn Quốc

Người Hàn Quốc có ngày lễ Tết ngắn hơn so với người Việt Nam, chỉ được nghỉ khoảng 3 ngày từ ngày cuối cùng năm cũ đến ngày mùng 2 năm mới.

Phụ nữ sẽ đảm nhiệm công việc đi chợ tết mua sắm lễ vật thờ cúng, chuẩn bị thức ăn. Vào ngày xưa, nam giới thường sửa sang, dán giấy viết chữ may mắn hoặc tuế họa vẽ các vị tiên, con vật có sức mạnh lên cửa nhưng hiện nay thì ít người ăn Tết theo phong tục truyền thống như vậy và thường theo đuổi cách đơn giản hơn.

Bài viết liên quan  Gochujang (고추장 - tương ớt) - Gia vị đặc biệt đến từ kỹ thuật lên men độc đáo của người Hàn Quốc

Ngày đầu tiên của năm mới, gia đình Hàn Quốc sẽ cùng nhau mặc bộ trang phục truyền thống Hanbok làm cơm dâng cúng tổ tiên và ngày hôm sau, cả gia đình cúng tổ vào sáng sớm. Đặc biệt, ngày Tết của người Hàn Quốc nổi tiếng là một dịp ăn Tteokguk (canh bánh gạo). Đây không chỉ là món ăn quan trọng nhất được ăn trong ngày Tết, mà còn có ý nghĩa mọi người lại thêm một tuổi già nữa. Thêm vào đó, Hàn Quốc cũng có phong tục tặng tiền lì xì nhưng chỉ tặng cho những trẻ em thực hiện nghi thức vái lạy theo cách truyền thống.

Qua bài viết của một du học sinh như mình chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc, về sự giống và khác nhau của Tết truyền thống giữa hai quốc gia. Hy vọng trong tương lai các bạn sẽ sớm được trải nghiệm Tết Hàn Quốc để có những kỷ niệm khó quên. Chúc các bạn năm mới vui vẻ, hạnh phúc và thành công!

Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Phạm Thị Mỹ Hạnh
hrhr@korea.kr

Địa điểm Hàn Quốc

Là người đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc. Với phương châm "Mang Hàn Quốc đến gần bạn hơn!", hy vọng những bài viết về các địa điểm du lịch, lịch sử, văn hóa... của Hàn Quốc sẽ có ích cho các bạn. Chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị ở xứ sở Kim Chi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *