Độc đáo nghệ thuật sơn mài khảm xà cừ ở Hàn Quốc
Giữa xã hội hiện đại như ở Hàn Quốc, những món đồ làm bằng tay vẫn có chỗ đứng riêng biệt kế thừa văn hóa từ tổ tiên xa xưa. Trong đó, nghệ thuật sơn mài với nét đẹp độc đáo, tỉ mỉ từ người nghệ nhân làm ra chúng đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị văn hóa mang thương hiệu của riêng quốc gia này. Trong giới hạn bài viết, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về nghệ thuật sơn mài khảm xà cừ nhé!
Nghề sơn mài ở Hàn Quốc đã tồn tại cách đây khá lâu. Nhiều hiện vật được tìm thấy có nguồn gốc từ thế kỉ thứ I trước Công nguyên, chúng bao gồm những đồ dùng trong các nghi lễ của tổ tiên người Hàn, vũ khí, nhạc cụ và đồ trang sức. Ở thời đại Silla (57 TCN – 935 CN), một lượng lớn đồ sơn mài sử dụng hằng ngày áp dụng kĩ thuật gọi là Pyungtal – 평탈(平脫) (phổ biến ở thời nhà Đường – Trung Quốc). Cụ thể là lớp sơn mài được phủ lên bề mặt của những chiếc đĩa vàng hoặc bạc, sau đó chờ cho lớp sơn này khô đi thì người ta sẽ mài bóng bề mặt, để lộ ra màu vàng hoặc bạc của chiếc đĩa.
Về sau kĩ thuật này biến thành Najeon chilgi – 나전칠기 螺細漆器 (sơn mài khảm xà cừ) ở Vương triều Goryeo (918 – 1392). Đến thời kì Joseon (1392 – 1897), việc sử dụng đồ trang trí không được khuyến khích do ảnh hưởng của Nho giáo, vốn coi trọng đức tính khiêm nhường. Sơn mài chủ yếu được sử dụng đánh bóng các đồ vật và nội thất bằng gỗ cho đến đầu thế kỉ XX và mãi tới chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), chế tạo đồ sơn mài mới được phục hưng tại các khoa nghệ thuật ở trường Đại học để phục vụ nghiên cứu.
Từ thời kì Joseon, ở Hàn Quốc rất ưa chuộng đồ sơn mài bằng phương pháp Najeon chilgi vì độ lung linh và hào nhoáng từ những miếng xà cừ. Najeon chilgi ở đầu thời kì Joseon mang đặc điểm chuyển tiếp mạnh mẽ nhằm tìm hướng đi mới sau thời kì Goryeo. Najeon chilgi giữa thời kì Joseon phản ánh các phong trào xã hội, theo đuổi bản sắc dân tộc sau 2 cuộc chiến tranh xâm lược lớn từ nước ngoài là chiến tranh Imjin (Nhật Bản xâm lược Joseon) và chiến tranh Byeongja (người Mãn Châu xâm lược Joseon). Thiết kế hoa văn thời kì này đa dạng từ hình hoa mẫu đơn, hoa cúc, đến hoa mận, phong lan, tre, trúc, chim muông…, đáng chú ý là cách tạo “vết nứt” làm tăng độ hấp dẫn của xà cừ.
Najeon chilgi ở Hàn Quốc mặt khác còn được so sánh với các kĩ thuật sơn mài ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, nghệ nhân sử dụng vỏ bào ngư sau khi mài và cắt chúng thành những miếng mỏng như giấy để tạo thành lớp lót xà cừ óng ánh, trong khi đó ở Trung Quốc, người ta lại cắt những miếng dày hơn làm từ nhiều loại vỏ sò ốc khác nhau để khảm lên gỗ, ngược lại tại Nhật Bản thì nghệ nhân sơn mài lại ứng dụng các loại bột kim loại nghiền mịn và bút vẽ kebo để tạo hình trang trí cho đồ vật, kĩ thuật này còn gọi là Maki-e.
Dù được so sánh như thế, nhưng Najeon chilgi vẫn là loại hình thủ công độc đáo mang dấu ấn của riêng Hàn Quốc. Quá trình làm ra một món đồ sơn mài khảm xà cừ mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi tay nghề ưu tú cộng với niềm đam mê từ người nghệ nhân.
Bước đầu tiên trong công đoạn chế tác đồ sơn mài theo phương pháp Najeon chilgi là chuẩn bị một bộ khung cơ bản hay còn gọi là “khung xương”, người ta sử dụng gỗ thông Đỏ, thông Oregon, Zelcova, hay bất kì một loại gỗ tốt nào khác để làm bộ khung này.
Bước thứ hai, sau khi “khung xương” đã được làm nhẵn, lấy hỗn hợp nhựa từ cây sơn và hồ tinh bột từ gạo nếp nấu chín, bôi đều khắp bề mặt đồ vật và các cạnh hẹp, chờ lớp này khô đi, nghệ nhân tiếp tục bôi một lớp đất sét lên trên. Sau đó, dán một lớp vải gai dầu lên khắp bề mặt, nghệ nhân tiếp tục quá trình phủ và làm khô bằng hỗn hợp nhựa cây sơn + hồ tinh bột, quá trình này có khi lặp lại trên 12 lần.
Trước khi khảm xà cừ, nghệ nhân quết một lớp đất sét lên bề mặt. Kết thúc việc khảm xà cừ lên sản phẩm là việc cạo lớp sơn mài ra khỏi gỗ, cuối cùng là đánh bóng gỗ bằng nhiều nguyên liệu như chất làm sáng, than, dầu mè; giai đoạn mài, làm khô, đánh bóng này có thể lặp lại hơn 15 lần.
Để tạo hình những miếng xà cừ đẹp phục vụ việc khảm lên đồ vật, có 2 phương pháp được áp dụng gọi là “Kkeuneumjil – 끊음질” (cắt) và “Jureumjil – 주름진” (dũa).
Phương pháp Kkeuneumjil xuất hiện sớm từ triều đại Goryeo, theo đó người nghệ nhân sẽ sử dụng một dụng cụ sắc để đánh dấu và cắt chính xác những miếng xà cừ nhỏ được gọi là “sangsa”. Sau khi có đủ số lượng các miếng xà cừ, nghệ nhân cẩn thận dán từng miếng một lên bề mặt có vẽ sẵn hình mẫu. Phương pháp này rất phức tạp và mất nhiều công sức nên đòi hỏi tay nghề giỏi từ nghệ nhân. Theo đuổi kĩ thuật Najeon chilgi bằng phương pháp Kkeuneumji cần lòng “yêu nghề kính nghiệp” cao độ, có khi phải nuốt xấp xỉ 5 gallon keo cá (fish glue – một loại keo dán gỗ truyền thống, không độc hại) để trở thành Najeonjang (nghệ nhân sơn mài khảm xà cừ) vì họ phải dùng miệng để dán các miếng xà cừ chắc hơn. Thật sự đáng ngưỡng mộ và khâm phục niềm đam mê, hi sinh vì nghề nghiệp này của họ!
Ngày nay để tiết kiệm thời gian, các nghệ nhân sử dụng phương pháp thứ hai là Jureumjil. Xuất hiện vào đầu thế kỉ XX, Jureumjil giúp việc thiết kế và tạo hình xà cừ trở nên dễ dàng nhờ việc cắt xà cừ thành miếng nhỏ bằng kéo và dũa.
Mặc dù việc sử dụng các món đồ làm bằng tay đã dần ít đi ở xã hội hiện đại, khi người ta chuộng những vật dụng mua sẵn hơn nhưng nghề thủ công như Najeon chilgi vẫn có vị trí nhất định, tạo nên nét độc đáo cho xứ sở Kim chi. Sử dụng sản phẩm sơn mài khảm xà cừ, ngoài cái đẹp lộng lẫy, người dùng còn cảm nhận được cả cái hồn lẫn tình cảm người nghệ nhân đã gửi gắm vào “những đứa con tinh thần” của họ. Hi vọng nghề sơn mài sẽ mãi được lưu truyền để thế hệ trẻ có cơ hội nắm bắt, học hỏi, phát triển hơn nữa.
Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
hrhr@korea.kr