Gat (갓) – Mũ truyền thống của Hàn Quốc, Sự tinh tế và khéo léo của nghề làm Gat ở Hàn Quốc

Sự tinh tế và khéo léo của nghề làm Gat ở Hàn Quốc

Nghề làm Gat đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo từ người nghệ nhân. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)

Cũng giống như bao quốc gia châu Á khác, Hàn Quốc rất coi trọng văn hóa truyền thống, những làng nghề lâu đời ở xứ sở Kim chi luôn có chỗ đứng nhất định, góp phần tạo cho Hàn Quốc một vẻ đẹp riêng biệt. Nếu bạn là người yêu thích các bộ phim cổ trang Hàn Quốc, bạn sẽ thấy những nhân vật nam thuộc tầng lớp quý tộc đội một chiếc mũ rất độc đáo, vậy bạn có biết để làm ra được một chiếc mũ như thế cần đôi tay tài hoa và sự khéo léo đến nhường nào từ người nghệ nhân, hãy cùng tìm hiểu về nghề làm mũ truyền thống thú vị này qua bài viết nha.

Gat (tiếng Hàn: 갓) dùng để chỉ một loại mũ truyền thống của Hàn, loại mũ này làm từ lông ngựa và một khung tre, có một phần trong suốt màu đen. Gat thịnh hành trong suốt triều đại Joseon và chỉ dành cho nam giới thuộc tầng lớp quý tộc. Theo tác giả của “Joseon Era Hat Dictionary”, Yang Jin-sook – giáo sư khoa dệt may tại Đại học Hanyang cho biết: những chiếc mũ Gat thường không được đội vì những lý do thực tế như che nắng, thay vào đó nó thể hiện các giá trị Nho giáo, hình thức, uy quyền và phẩm giá vốn là nền tảng tư tưởng chính trị vào thời kì đó. Theo góc độ triết học, con người thời kì này rất coi trọng mái tóc, họ ví tóc mình như núi và trời. Ngọn núi là hình tượng cao quý nên việc đội một chiếc mũ giống như được ban tặng vinh dự. Từ góc độ thực tế, chỉ cần nhìn vào chiếc mũ đội trên đầu đã có thể phân biệt được các tầng lớp xã hội, dù gái hay trai, sĩ phu hay dân thường.

Bài viết liên quan  Sự ra đời của Tam Quốc và các nhà nước khác

Đặc trưng bởi vành mũ rộng, màu đen, với phần chóp hình trụ, Gat đã trải qua các biến thể khác nhau. Chiếc mũ đầu tiên được ra mắt dưới thời trị vì của vua Seongjong (1457-1494) được ghi chép lại trong “biên niên sử triều đại Joseon” với mô tả “đỉnh tròn và vành rộng”. Đến cuối đời vua Yeonsangun (1476-1506), chiếc mũ thay đổi phần chóp thành hình trụ. Tuy nhiên, chiều cao từ đỉnh mũ đến vành mũ thay đổi theo thời gian. Cuối cùng là hình dáng quen thuộc như chúng ta thấy ngày nay bắt đầu từ thời vua Yeongjo và vua Jeongjo (1724-1800).

12 xưởng sản xuất ở thành phố Tongyeong (12 Tonggyeong workshops) thuộc tỉnh Gyeongsangnam-do, hiện tại là nơi vẫn duy trì nghề làm Gat với những nghệ nhân (được gọi là Gatiljang – 갓일장) có niềm đam mê mãnh liệt với nghề này. Để làm ra một chiếc mũ Gat đẹp mất rất nhiều thời gian công sức. Mỗi quá trình đòi hỏi chất liệu và kĩ năng khác nhau. Do đó công việc làm Gat cần tới sự phân công lao động có trật tự.

Gatiljang dùng thanh sắt nóng dán các mảnh vá phủ mực đen lên đỉnh mũ sau khi đã dán 1 lớp vải lụa. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)

Chóp mũ hay còn gọi là Chongmoja – 총모자 được làm từ những sợi lông đuôi ngựa siêu mịn, những sợi lông ngựa này có nguồn gốc từ đảo Jeju và chỉ chọn những sợi có chất lượng cao nhất làm mũ. Quá trình làm có thể tóm tắt như sau: 8 sợi lông ngựa được gấp đôi thành một bó 16 sợi, buộc 4 bó thành các sợi dọc gồm 64 sợi; 4 sợi được buộc gút đơn giản với nhau ở đầu và 2 sợi được bện thành một, những sợi bện này lại được dệt thành 3 hàng.

Bài viết liên quan  Sơ lược chiều dài lịch sử đất nước Hàn Quốc

Các hàng dệt được đặt lên khối mũ có keo gọi là Ilgol, bắt đầu quy trình dệt sợi ngang và sợi dọc gọi là Cheonbak tteugi. Kĩ thuật Cheonbak tteugi cho phép dệt 10 hàng với 2 bím làm từ 4 sợi, tiếp theo là dệt không gian với bím 4 sợi. Dệt không gian (space-weaving) tạo ra khoảng trống giữa các sợi dọc, do đó cần đặt các sợi dọc bổ sung trong 4 vòng của quá trình dệt. Các đường dệt xung quanh thân mũ gọi là Momjul, quá trình sắp xếp các sợi ngang cách đều quanh thân gọi là Momjul tteugi. Sau khi xếp đều các sợi, ngâm thân mũ vào nước rồi vò nhẹ, sau đó gõ nhẹ để thân mũ tách ra khỏi Ilgol, cắt những sợi lông thừa và phủ mực ở bên trong. Đặt mũ lên một khối gọi là Meokgol, nhúng vào nước, đun sôi trong khoảng 30 phút, điều này làm chắc hơn phần thân mũ, cuối cùng phơi khô trong bóng râm và phủ lớp mực đen dày lên.

Đỉnh mũ hình tròn được dán một lớp lụa mỏng và 4 miếng vá đều nhau vừa với đỉnh mũ đã được quết mực đen, sau đó cắt phần rìa thừa của miếng lụa bằng kéo, một sợi tre mỏng được gắn quanh phần đỉnh mũ rồi phủ mực đen để hoàn thành phần chóp mũ.

Quá trình dệt các sợi tre ngang, dọc vào nhau bằng Banongdae làm Yangtae. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)

Vành mũ hay được gọi là Yangtae làm bằng các sợi tre, được phân ra làm sợi dọc và sợi ngang, các sợi dọc được trải trên “Yangtaepan”, một miếng gỗ tròn làm từ gỗ anh đào hoặc zelkova, được sắp xếp hợp lý sao cho những sợi tre không bị dính vào nhau. Sợi ngang làm từ các nan tre cào mỏng đã được luộc nước sôi, sau đó chẻ nhỏ rồi chải thật kĩ bằng tay. Những sợi ngang được dệt xen kẽ những sợi dọc bằng một cây kim gọi có đầu cong gọi là “Banongdae”. Kết nối các sợi tre là một cái kim tre có tên “Meoreok” được đẩy vào theo đường line chính của Yangtae.

Bài viết liên quan  Sự khởi đầu của lịch sử Hàn Quốc (Thời tiền sử - Thời đại Gojoseon)

Sau khi đã luồn Meoreok vào giữa các sợi tre, dùng sợi tre khác gọi là “Bitdae” kết nối đến cái lỗ của cây kim tre Meoreok và chỉnh sửa sợi tre Bitdae sao cho vừa vặn bằng cách giật Meoreok ra khỏi Yangtae. Đặt Yangtae lên một cái khung tròn rồi bôi mực đen lên, sau đó sấy khô bằng một thanh sắt nóng, việc này làm cho Yangtae trở nên mềm mại hơn. Cuối cùng dán lớp vải lụa lên khắp vành mũ, phủ mực đen lên đều bề mặt vải, kết thúc quá trình làm Yangtae.

Gatiljang dùng thanh sắt nóng làm khô Yangtae trước khi phủ lớp vải lụa. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)

Chongmoja được gắn ngay ngắn vào Yangtae bằng keo cá rồi dùng thanh sắt nóng cân chỉnh. Công đoạn cuối cùng là gắn dây buộc mũ vào phần tiếp giáp giữa Chongmoja và Yangtae đã được đục lỗ.

Gatiljang cố định Chongmoja và Yangtae với nhau rồi dùng thanh sắt nóng cân chỉnh. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)

Nghề làm mũ truyền thống tuy có nhiều vất vả, khó khăn nhưng không vì thế mà mai một trước sự thay đổi từng ngày của xã hội, người nghệ nhân làm ra Gat đã đưa tâm hồn mình vào từng chiếc mũ khiến cho nghề này thêm phần thi vị. Đội một chiếc mũ Gat ta sẽ cảm nhận được sự sang trọng, phẩm giá của các học giả thời Joseon đến từ sự tinh tế, khéo léo mà chiếc mũ mang lại. Hi vọng, một nghề có giá trị lịch sử như thế này sẽ luôn được gìn giữ và lưu truyền.

(Nguồn ảnh: K-HERITAGE.TV, Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc, Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc http://www.k-heritage.tv/vod/embed/Mzc4LDEwMzU4)

Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
hrhr@korea.kr

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here