Tết Trung thu (추석) và sự khác biệt văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc

Ngày 15 tháng 8 âm lịch là Chuseok (ngày tết Trung thu) ở Hàn Quốc. (Ảnh: iclickart)

Năm nay là năm đầu tiên mình được đón Tết Trung thu tại Hàn Quốc lên mình rất háo hức, tò mò. Mình đã tìm hiểu về lễ Trung thu tại Hàn Quốc nên thấy giữa Hàn Quốc và Việt Nam thực sự có nhiều nét văn hóa tương đồng, cũng có vài điểm khác biệt. Nó thường thể hiện khá rõ trong lễ Trung thu truyền thống của 2 quốc gia. Các độc giả hãy cùng làm so sánh ngày tết Trung thu của cả 2 quốc gia thông qua bài viết dưới đây.

Nguồn gốc lễ Trung thu

Tết Trung thu Việt Nam bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Khi tiết trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa lao động vất vả. Theo các nhà khảo cổ thì Tết Trung thu ở Việt Nam đã có từ cả ngàn năm trước, với những hoạ tiết minh hoạ xuất hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Tại Hàn Quốc lễ Trung thu được gọi bằng một cái tên quen thuộc: Chuseok (추석). Từ Chuseok có nghĩa là đêm mùa thu, đêm trăng rằm đẹp nhất vào tháng 8 âm lịch. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: “Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8” (5월 농부 8월 신선) để ám chỉ vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên, vụ xuân cũng sẽ nhàn nhã hơn, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nữa.

Tết Chuseok còn có những tên gọi khác như Hangawi (한가위) – Han (한) có nghĩa là “lớn”, gawi (가위) có nghĩa là “ở giữa” nên có ý nghĩa rằng ngày lớn ở giữa tháng 8 âm lịch hoặc ngày lớn ở giữa mùa thu. Đây là ngày mà người Hàn Quốc, người nông dân xuyên suốt các thời kỳ lịch sử tạ ơn tổ tiên vì một mùa màng bội thu trong năm và chia sẻ sự sung túc của họ với gia đình và bạn bè. Như vậy điểm chung trong lễ Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc chính là đều chọn ngày trăng tròn 15/8 hàng năm và mang thông điệp tạ ơn nhân dịp mùa màng bội thu.

Vào ngày tết Chuseok, các gia đình người Hàn Quốc thường chuẩn bị bàn thờ tổ tiên có những sản phẩm đã thu hoạch trong vụ mùa để bày tỏ lòng biết ơn. (Ảnh: iclickart)

Phong tục nhân dịp lễ Trung thu

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, cha mẹ bày cỗ cho các con “phá cỗ”, mua lồng đèn thắp nến để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, hồng và các thức hoa quả khác đặc trưng của mùa thu. Đây là dịp để cha mẹ thể hiện tình thương yêu con cái. Về sau, Trung thu còn có thêm một số nét nghĩa rất đẹp khác là dịp sum vầy, đoàn tụ của cả gia đình, là dịp tri ân tới những người có công ơn với ta.

Bài viết liên quan  Hoa cúc, tinh túy của mùa thu

Với người dân Hàn Quốc, Trung thu là lễ lớn và rất quan trọng nên có nhiều phong tục hơn. Trung thu tại Hàn Quốc kéo dài trong 3 ngày và chính là ngày Rằm tháng 8 âm lịch. Trong dịp lễ lớn này, người nông dân Hàn Quốc ăn mừng một vụ mùa vừa qua, những người sống xa nhà sẽ về thăm quê và cùng gia đình ăn bữa cơm đoàn viên gồm những món truyền thống của Hàn Quốc, đặc trưng nhất là loại bánh nặn bằng bột gạo có tên Songpyeon và cũng uống rượu với nhau. Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok của người Hàn là việc thể hiện đạo lý và lòng hiếu thảo với tổ tiên – Nghi thức Beolcho (벌초) và Seongmyo (성묘). Các hoạt động này gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Vào ngày Chuseok, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa sẽ được dâng cúng lên tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn. Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ Chuseok, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc cũng sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm.

Bánh Songpyeon, một món ăn truyền thống của Hàn Quốc thường được ăn vào ngày tết Chuseok. (Ảnh: Korea.net DB)

Món ăn truyền thống nhân dịp Trung thu

Tại Việt Nam không thể không nhắc đến bánh Trung thu. Bánh Trung thu là tên gọi chỉ được dùng ở Việt Nam thực tế bao gồm hai loại: bánh nướng và bánh dẻo nhưng bánh nướng thường được biết đến và liên tưởng nhiều hơn. Bánh Trung thu thường có dạng hình tròn (đường kính khoảng 10cm) hay hình vuông (chiều dài cạnh khoảng 7–8 cm), chiều cao khoảng 4–5cm, không loại trừ các kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Ngoài ra, bánh Trung thu còn có nhiều kiểu dáng khác nhưng phổ biến hơn là kiểu lợn mẹ với đàn con, cá chép v.v. Bánh theo truyền thống thường có nhân đậu xanh (hay hạt sen) hoặc nhân thập cẩm (với jambon, lạp xưởng, lá chanh, mứt bí, mỡ, đường v.v.).

Bài viết liên quan  Những câu chuyện về ngày Tết thiếu nhi trên thế giới 세계 어린이날의 이모저모 “엄마 아빠, 오늘만 같으면 좋겠어요!”

Tại Hàn Quốc vào ngày Chuseok món ăn chủ đạo chính là Songpyeon (송편). Songpyeon là món bánh tiêu biểu được làm bằng bột gạo mới, gạo không dính, có nhân là vừng, đậu, đậu đỏ. Nếu như bánh Trung thu ở Việt Nam được làm theo hình tròn hoặc hình vuông (tượng trưng cho trời đất) thì bánh Songpyeon được nặn thành hình bán nguyệt. Sau khi nặn xong, bánh sẽ được cho vào chõ hấp, bên dưới có lót lớp lá thông để tạo cho bánh có hương vị thanh khiết. Chuseok còn được gọi là ngày tết của các loại bánh. Tuy mỗi địa phương đều có những phương thức và nguyên liệu làm bánh khác nhau nhưng tất thảy đều sử dụng những ngũ cốc tươi mới được thu hoạch để tạ ơn đất trời, tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu. Theo truyền thuyết, các cô gái nào làm ra chiếc bánh Songpyeon đẹp nhất sẽ có được một cô con gái xinh xắn. Chính vì thế, trong ngày Chuseok, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau nặn bánh và bầu chọn xem ai là người làm ra chiếc bánh đẹp nhất trong tiếng cười đầm ấm vui vẻ. Cũng giống như Việt Nam, vào những ngày lễ như thế này, người phụ nữ trong gia đình luôn là người bận rộn và vất vả nhất để chuẩn bị đồ cúng và các món ăn cho các thành viên khác trong gia đình.

Bài viết liên quan  Lễ hội làng tại Hàn Quốc - Con người và thần linh là một

Vào ngày tết Trung thu ở Hàn Quốc, người dân thưởng thức các trò chơi truyền thống như là: Juldarigi (줄다리기), Ssireum (씨름), Ganggangsullae (강강술래). (Ảnh: iclickart)

Những hoạt động, trò chơi truyền thống trong tết Trung thu

Tết Trung thu ở Việt Nam vốn được coi là ngày Tết của trẻ em nên còn có tên gọi là Tết trông trăng. Trẻ em trong dịp Tết này thường được người lớn tặng đồ chơi. Những món đồ truyền thống gồm có đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ chú tễu, đèn kéo quân, đèn cù, trống… rồi bánh nướng, bánh dẻo… Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng, múa lân sư rồng, rước đèn.

Tết Trung thu tại Hàn Quốc, người dân thay vì múa lân sư rồng, sẽ hoá trang thành những chú bò, chú rùa cùng với một đoàn lễ nhạc đi đằng sau. Những trò chơi truyền thống trong dịp này còn có Juldarigi (줄다리기) – Kéo co, đánh trận giả, Ssireum (씨름) – Đấu vật, Olgesimni (올게심니) – tục treo ngũ cốc khô trước cửa… Ở miền Nam, vào đêm trăng tròn, phụ nữ và trẻ em sẽ nắm tay nhau đứng thành vòng tròn và nhảy múa dưới ánh trăng, điệu múa này được biết đến với cái tên Ganggangsullae (강강술래).

Dù là đón tết Trung thu tại Việt nam hay Hàn Quốc mình đều cảm nhận được sự ấm áp và không khí vui vẻ vì đây là ngày lễ lớn và mang ý nghĩ đoàn tụ gia đình cũng như có rất nhiều hoạt động vui chơi thú vị. Hy vọng các bạn có một lễ Trung thu ý nghĩa và tràn đầy vui vẻ vào năm nay.

Bài viết: Phóng viên danh dự Korea.net Phạm Thị Mỹ Hạnh
hrhr@korea.kr

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here